ÁP XE CỔ

ÁP XE CỔ

1. ĐẠI CƯƠNG ÁP XE CỔ

1.1. Định nghĩa.

Áp xe cổ là hiện tượng viêm và tụ mủ ở cổ. Thực sự nguy hiểm nếu ổ áp xe ở các khoang giữa các cấu trúc của vùng cổ. Bệnh không được điều trị sẽ gây chèn ép đường thở, viêm lan tỏa xuống trung thất, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.

Đây là một cấp cứu vùng cổ mặt.

1.2. Nguyên nhân.

Gần một nửa số trường hợp áp xe cổ là không có nguồn gốc rõ ràng. Nguồn gốc thường thấy là thứ phát sau nhiễm trùng của những vùng như: Răng miệng, tuyến nước bọt, hạch cổ, họng, amydan, đường rò khe mang, tuyến giáp, xương chũm và do hậu quả của dị vật đường ăn.

Tác nhân gây bệnh thường thấy có cả vi trùng ưa khí và kị khí, cả Gram(-) và Gram(+), gồm có: Liên cầu khuẩn tan huyết Beta nhóm A (Streptococcus pyogenes), liên cầu khuẩn tan huyết Anpha (Streptococcus viridans, Streptococcus pneumoniae),

Staphylococcus aureus, Fusobacterium nucleatum, Bacteroides melaninogenicus, Bacteroides oralis, Spirochaeta, Peptostreptococcus, Neisseria, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae.

1.3. Phân loại:

Áp xe cổ nông và áp xe cổ sâu. Ở đây chỉ đề cập tới áp xe cổ sâu.

1.4. Yếu tố nguy cơ:

Những nhóm bệnh nhân sau dễ mắc và thường có những biến chứng nặng hơn: Suy nhược cơ thể, tiểu đường, HIV-AIDS, hóa trị liệu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép…

2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN

2.1. Bệnh sử.

Sốt, đau và khó cử động cổ, cổ sưng lệch, khó nuốt, khó thở.

2.2. Khám lâm sàng.

Khám tại chỗ thấy cổ sưng lệch, da vùng đó đỏ tía, sờ thấy nóng, ấn thì đau. Chọc thăm dò thấy có mủ.

Biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc: Sốt, mạch nhanh, môi khô, lưỡi bẩn.

Biểu hiện cản trở hô hấp: Thở nhanh, khò khè, thở khó do phù nề làm hẹp eo họng, chèn đẩy khí quản cộng thêm hiện tượng ứ đọng đàm nhớt do nuốt đau, khó nuốt và khó ho khạc. Các triệu chứng trên tăng lên khi bệnh nhân nằm ngửa do sự gia tăng áp lực đè nén tại chỗ.

2.3. Cận lâm sàng:

3. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao (> 11.000/mm3 ), công thức bạch cầu chuyển trái rõ.

4. Siêu âm vùng cổ cho thấy hình ảnh khối choán chỗ với tín hiệu echo kém, giới hạn và có vỏ bao rõ, ở xung quanh có nhiều mạch máu tăng sinh.

5. Chụp XQ cổ thẳng, nghiêng thấy khoảng Henké dày lên và có thể thấy được hình ảnh dị vật nếu dị vật đó cản quang (trong trường hợp áp-xe cổ do dị vật thực quản).

6. Chụp CT Scanner vùng cổ có cản quang cho thấy chính xác vị trí, khối lượng, số lượng ổ áp-xe và phạm vi lan tỏa của ổ nhiễm trùng.

3. CHẨN ĐOÁN

1. Tiêu chuẩn xác định : Khối sưng tấy vùng cổ + chọc thăm dò thấy mủ.

2. Chẩn đoán nguyên nhân: Áp xe thứ phát sau nhiễm trùng các vùng răng miệng, tuyến nước bọt, hạch cổ, họng, amydan, đường rò khe mang, tuyến giáp, xương chũm và do hậu quả của dị vật đường ăn.

3. Chẩn đoán phân biệt: Khối u vùng cổ, lao cột sống cổ.

4. Chẩn đoán độ nặng, giai đoạn:

-Viêm tấy hoặc áp xe nhỏ, khu trú.

-Áp xe lớn gây chèn ép cấu trúc lân cận.

-Áp xe gây biến chứng tràn mủ trung thất.

-Áp xe gây shock nhiễm trùng, nhiễm độc.

5. Chẩn đoán yếu tố thúc đẩy: Tiểu đường, HIV-AIDS, hóa trị liệu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép…

6. Chẩn đoán biến chứng:

-Tràn mủ trung thất.

-Hoại tử dò khí quản – thực quản.

-Nhiễm trùng huyết – shock nhiễm trùng.

3. ĐIỀU TRỊ ÁP XE CỔ

4.1. Mục đích:

Loại bỏ nguyên nhân, loại trừ viêm nhiễm.

4.2. Nguyên tắc:

Bộc lộ rộng rãi, lấy hết bệnh tích, dẫn lưu triệt để, chống nhiễm trùng hiệu quả và nâng đỡ cơ thể.

4.3. Điều trị cụ thể:

Đảm bảo chức năng sống còn:

Đảm bảo chức năng hô hấp: Tăng thông khí phổi bằng cách hút sạch đàm nhớt, cho thở oxy. Nếu cần thì khai khí quản.

Đảm bảo chức năng tuần hoàn: Duy trì mạch, huyết áp.

Điều trị triệu chứng:

Giảm đau, hạ sốt: Truyền Perfalgan 1g mỗi 8h.

Điều trị nguyên nhân: Giải quyết ổ viêm nguồn.

Sử dụng kháng sinh:

Kháng sinh mạnh, phổ rộng, liều cao qua đường tĩnh mạch.

Tốt nhất là sử dụng theo hướng dẫn của kháng sinh đồ.

Trường hợp cấp thiết phải dùng ngay thì theo kinh nghiệm nên kết hợp cùng lúc 3 loại là Cephalosporin thế hệ III, Metronidazole và Tavanic.

Dẫn lưu ổ áp xe:

Rạch và bộc lộ rộng rãi, hút hết mủ, rửa sạch tận các ngóc ngách bằng nước muối sinh lý ấm sau đó bơm rửa lại bằng dung dịch sát khuẩn Povidone-Iodine 2%.

Đặt dẫn lưu, để hở vết thương và phủ gạc vô trùng.

Nếu cần, có thể đặt hệ thống bơm rửa liên tục bằng dung dịch sát khuẩn như trên.

Tùy vào bệnh cảnh lâm sàng, một số trường hợp ổ áp-xe nhỏ thì có thể chỉ cần chọc hút và bơm rửa bằng dung dịch sát khuẩn (Povidone-Iodine).

Đánh giá sự biến đổi của công thức máu, đường huyết, X-quang phổi mỗi 24 giờ.

Thay băng 2 – 3 lần/ngày, chăm sóc tổ chức hạt và cắt lọc mô hoại tử (nếu có).

4.4. Lưu đồ xử trí:

áp xe cổ - apxe

5. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

5.l.Tiêu chuẩn nhập viện

Đau sưng vùng cổ, hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.

5.2.Theo dõi

Diễn tiến của bệnh, sự đáp ứng điều trị, khả năng hồi phục tại chỗ và toàn thân.

5.3.Tiêu chuẩn xuất viện

Hết các dấu hiệu viêm nhiễm. Vết mổ khâu da kì 2 lành tốt. Bệnh nhân ăn uống được, thở thông.

5.4.Tái khám

Tái khám sau 1 tuần, đánh giá hiệu quả việc giải quyết nguyên nhân, tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng sâu tái phát.

Tái khám sau 2 tuần , đánh giá sự phục hồi toàn diện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Bộ môn Tai Mũi Họng ĐHYD TP.HCM. Viêm tấy và áp xe họng miệng. Bài

giảng lâm sàng Tai Mũi Họng. NXB Y học. 2007

2. Bệnh viện Chợ Rẫy. Áp xe cổ. Phác đồ điều trị. NXB Y Học. 2013.

3. Vũ Hải Long. Tìm hiểu và phòng trị bệnh Tai Mũi Họng. NXB Y Học. 2003: 330-341

4. Bailey, Byron J. Deep neck infection. Head and Neck Surgery-Otolaryngology. Philadelphia 1998.

5. Vieira F, Allen SM, Stocks RM, et al. Deep neck infection. Otolaryngol Clin NorthAm. Jun 2008;41(3):459-83.

6. Shah UK. Peritonsillar and retropharyngeal abscess. In: Shah S, ed. Pediatric Practice: Infectious Diseases. Philadelphia, Pa: McGraw-Hill; 2009:206-15.

7. Carbone PN, Capra GG, Brigger MT. Antibiotic therapy for pediatric deep neck abscesses: a systematic review. Int J Pediatr Otorhinolaryngol. Nov 2012;76(115):1647-53.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *