Sáng 3/8, NSƯT Bùi Cường đã qua đời ở Hà Nội vì tai biến mạch máu não. Nhiều người thắc mắc tại sao một người khỏe mạnh có thể dễ dàng ra đi vì căn bệnh này.
PGS.TS Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Đây là hiện tượng do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng tử vong.
Tại trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hàng năm, khoảng 800 bệnh nhân nằm điều trị do căn bệnh này.
Hậu quả của tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong 9,5% trong tổng số tử vong chung và đứng hàng thứ 2 gây tử vong sau ung thư, cao hơn cả tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành.
“Tai biến mạch máu não là một cấp cứu y tế khẩn cấp để ngăn chặn hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương thần kinh sau đột quỵ, tức tránh tàn phế mà không tăng tỷ lệ tử vong. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý kịp thời để giảm tới mức tối thiểu khối lượng mô não bị tổn thương. Lưu ý thời gian mất là não mất”, PGS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho hay có khoảng 20% bệnh nhân sống sót cần được chăm sóc kịp thời sau 3 tháng và 15-30% bị tàn tật lâu dài.
Đột quỵ bao gồm đột quỵ thiếu máu cục bộ não – chiếm khoảng 85% – xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch.
Đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não. Đặc biệt khi bị đột quỵ, một số nguy cơ khác như bệnh tim, phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của đột quỵ.
PGS Thông cho biết thêm đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là ở tuổi trung niên và cao tuổi (càng lớn tuổi càng dễ bị đột quỵ). Nguy cơ xảy ra đột quỵ tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, khoảng 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.
Theo thống kê, nam giới dễ bị đột quỵ hơn phụ nữ. Ngoài ra, một số bệnh và thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol) trong máu, bệnh tim, hút thuốc lá, nghiện và lạm dụng quá nhiều bia rượu. Người ít vận động hoặc béo phì nguy cơ đột quỵ xảy ra thường rất cao.
Nguồn: Zing.vn