VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM

VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM

1. ĐẠI CƯƠNG VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM:

1.1. Định nghĩa:

Viêm loét giác mạc do nấm là bệnh thường gặp ở các nước đang phát triển, chủ yếu sau sang chấn nông nghiệp như lá lúa, lá cây… quệt vào mắt, gây trầy xước, tổn thương biểu mô giác mạc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm xâm nhập vào giác mạc. Ngoài ra dùng corticosteroid tại chỗ lâu dài là điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.

1.2. Nguyên nhân:

Do nấm như Furarium, Aspergillus, Cephalosporium, Allescheria, Penicillium, Cadida Albicans.

2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM:

2.1. Bệnh sử:

Có bệnh sử chấn thương, đặc biệt là do các tác nhân thực vật (như cành cây) hoặc thường là có bệnh mãn tính ở mắt.

2.2. Khám lâm sàng:

– Cộm xốn, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhức mắt, giảm thị lực tùy thuộc vào vị trí ổ loét.

– Cương tụ rìa.

– Hiện diện ổ loét giác mạc, nhuộm bắt màu Fluorescein, với những đặc trưng:

+ Loét bờ dạng sợi nấm.

+ Tổn thương vệ tinh.

+ Loét bề mặt nổi gồ.

+ Mủ tiền phòng.

+ Màng xuất tiết ở mặt sau giác mạc.

+ Vòng miễn dịch giác mạc.

2.3. Cận lâm sàng:

– Soi tươi: tìm thấy nấm trong 50% trường hợp, cho biết được nấm sợi hoặc nấm men.

– Nhuộm soi: Gram, Giemsa.

– Nuôi cấy làm kháng nấm đồ.

3. CHẨN ĐOÁN VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM:

3.1. Chẩn đoán xác định:

– Tiền sử có chấn thương do tác nhân thực vật.

– ô loét bắt màu fluorescein, mang những đặc trưng của ổ loét do nấm.

– Xét nghiệm: soi tươi, nhuộm soi (Gram, Giemsa), nuôi cấy làm kháng nấm đồ; giúp xác định loại nấm gây bệnh.

3.2. Chẩn đoán nguyên nhân:

Dựa vào các xét nghiệm xác định loại nấm gây bệnh.

3.3. Chẩn đoán phân biệt:

– Viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

– Viêm loét giác mạc do Herpes.

– Viêm loét giác mạc do Acanthemoeba.

3.4. Chẩn đoán biến chứng:

– Tăng nhãn áp.

– Thủng giác mạc.

4. ĐIỀU TRỊ VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM:

4.1. Mục đích điều trị:

– Điều trị kháng nấm hiệu quả.

– Chống biến chứng, bảo tồn chức năng nhãn cầu.

4.2. Nguyên tắc điều trị:

– Dùng thuốc kháng nấm tại chỗ ngay khi có kết quả soi tươi tìm nấm dương tính.

– Chống chỉ định dùng corticoid.

4.3. Điều trị cụ thể:

4.3.1. Điều trị nội khoa:

– Dung dịch Natamycin 5% (nấm sợi hoặc nấm men) hoặc dung dịch Amphotericin B (tốt hơn đối với nấm men) 0,15% nhỏ mỗi giờ/lần.

– Uống Ketoconazole 200 – 400mg/ngày cho các chủng nấm sợi. Fluconazole 200 -400mg cho chủng nấm men.. Đợt điều trị 21 ngày.

– Trường hợp nặng có thể tiêm dưới kết mạc dung dịch Amphotericin B 0,8 -1mg/0,2ml.

– Thuốc liệt thể mi: Dung dịch atropine 1% hoặc scopolamine 0,25% 3 lần/ngày.

4.3 .2. Điều trị ngoại khoa:

Nhằm giải quyết các biến chứng và di chứng của viêm loét giác mạc.

– Rửa mủ tiền phòng: trường hợp nặng , mủ tiền phòng dâng cao.

– Ghép giác mạc: ghép giác mạc để bảo toàn nhãn cầu trong trường hợp phòi màng Descemet hoặc thủng giác mạc.

– Ghép màng ối: trường hợp loét giác mạc kéo dài khó hàn gắn, ổ loét lõm sau mất chất.

– Khâu phủ kết mạc trong khi chờ đợi ghép giác mạc, khâu cò mi.

– Múc nội nhãn, khoét nhãn cầu: khi ngoại tử giác mạc toàn bộ, phòi tổ chức nội nhãn không còn khả năng điều trị bảo tồn.

4.3.3. Điều trị bảo tồn:

Các thuốc tăng cường dinh dưỡng giác mạc: Vitamin A…

5. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM:

5.1. Tiêu chuẩn nhập viện:

– Bệnh đe dọa nghiêm trọng đến thị lực.

– Bệnh nhân không thể hoặc quá khó khăn trong việc tra, nhỏ thuốc nhiều lần.

– Có biến chứng tăng nhãn áp, dọa thủng giác mạc.

5.2. Theo dõi:

Trong thời gian điều trị theo dõi, đánh giá sự đáp ứng với thuốc và sự tiến triển của ổ loét.

5 .3. Tiêu chuẩn xuất viện:

Mắt giảm kích thích, ổ loét thu nhỏ, phản ứng viêm thuyên giảm rõ rệt.

5.4. Tái khám:

Tái khám mỗi 6 tháng trong những trường hợp sẹo dày ở trung tâm để có kế hoạch ghép giác mạc.

Tài liệu tham khảo:

1. Phác đồ điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy 2013, Nhà xuất bản Y học, tr. 611-686.

2. American academy of Ophthalmology, (2010 – 2011), External disease and cornea, American academy of Ophthalmology, pp 165 -170.

3. Jack J. Kanski, (2003), Clincal Ophthalmology, Butterworth Heinemann, New York, Fifth edition, PP 104 – 105.

4. Kenneth W. Wright, (1997), TexBoook of Ophthalmology, Williams and Wilkins a wawerly compaly, PP 729 – 732.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *