VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES

VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES

1. ĐẠI CƯƠNG VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES:

– Viêm giác mạc Herpes simplex là nguyên nhân thông thường nhất gây mù do giác mạc ở Tây bán cầu. Tỷ lệ từ 0,5 – 1 trường hợp trong 1000 người. Có 12,0% trường hợp bị cả hai mắt. Ở người lớn có 85% những trường hợp phân lập được virus Herpes nhóm 1.

– Bệnh biểu hiện lâm sàng bắt đầu từ ngày thứ 3 đến 9 sau khi nhiễm.

– Nhiễm virus herpes tái phát ở giác mạc có thể biểu hiện 4 hình thái: Viêm giác mạc biểu mô, viêm giác mạc nhu mô dạng đĩa, viêm giác mạc nhu mô hoại tử và viêm giác mạc màng bồ đào.

2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES:

2.1. Bệnh sử: trước đây đã có những lúc bị bệnh.

2.2. Khám lâm sàng:

– Cộm xốn, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cương tụ rìa, giảm thị lực. Giảm cảm giác giác mạc.

– Trong viêm giác mạc biểu mô có hình cành cây bắt màu Fluoresceine, bờ chỗ mất biểu mô gồ lên bắt màu hồng Bengal. Phù lớp nhu mô và thâm nhiễm dưới biểu mô có thể xuất hiện sau một tuần.

– Trong viêm giác mạc nhu mô dạng đĩa: phù nhu mô, viêm khía, tủa sau giác mạc, Tyndall ở tiền phòng dương tính. Viêm giác mạc hình cành cây kèm theo đồng thời hoặc có trước.

– Viêm giác mạc nhu mô hoại tử: thâm nhiễm nặng ở nhu mô, trắng đục, hoại tử. Giác mạc bị mỏng, đôi khi thủng, tân mạch giác mạc.

– Viêm giác mạc – màng bồ đào: viêm mống mắt khu trú với phù giác mạc khu trú, tủa sau giác mạc, Tyndall dương tính, mống mắt sưng nề. Dính sau hoặc viêm mống mắt lan tỏa với mủ tiền phòng, fibrin ở tiền phòng, tăng nhãn áp.

3. CHẨN ĐOÁN VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES:

3.1. Chẩn đoán xác định:

– Dựa vào bệnh sử đã có những lúc bị bệnh.

– Chủ yếu dựa vào lâm sàng.

3.2. Chẩn đoán nguyên nhân:

Do virus Herpes simplex nhóm 1

3.3. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

– Viêm loét giác mạc do nấm.

– Viêm loét giác mạc do Acantheoba.

3.4. Chẩn đoán biến chứng:

– Tăng nhãn áp.

– Thủng giác mạc

4. ĐIỀU TRỊ VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES:

4.1. Mục đích điều trị:

– Điều trị kháng virus hiệu quả, giảm tổn hại giác mạc.

– Chống biến chứng tăng nhãn áp, thủng giác mạc.

4.2. Nguyên tắc điều trị:

– Giảm tổn hại giác mạc thứ phát của hiện tượng nhiễm virus phân giải tế bào và đáp ứng miễn dịch đối với virus.

– Thuốc kháng virus có thể là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị viêm giác mạc biểu mô.

– Các thể lâm sàng khác có thể kết hợp điều trị corticoid. Chỉ dùng thuốc corticoid nhỏ tại chỗ khi biểu mô không khiếm khuyết.

– Ghép giác mạc chỉ định khi giác mạc bị thủng.

4.3. Điều trị cụ thể:

4.3.1. Viêm giác mạc biểu mô:

– Nạo nhẹ biểu mô để lấy bỏ tổ chức ngoại tử.

– Thuốc kháng virus tại chỗ: TriAuridine 1 giọt/lần x 5 lần/ngày. Hoặc mỡ IDU 5 lần/ngày. Hoặc dung dịch IDU mỗi giờ/lần vào ban ngày, còn tối thì dùng thuốc mỡ.

4.3.2. Viêm giác mạc nhu mô dạng đĩa:

– Corticoid được chỉ định để ngăn ngừa sự viêm và phù: Dung dịch

Fluorometholone 1% , Prednisolone acetate 1%.

– Trifluridine 1% 1 giọt/lần x 3 – 4 lần/ngày.

– Acyclovir uống 200mg đến 400 mg/lần x 5 lần/ngày.

4.3.3. Viêm giác mạc nhu mô ngoại tử:

– Thuốc điều trị giống viêm giác mạc nhu mô dạng đĩa.

– Ghép giác mạc khi giác mạc bị thủng.

4.3.4. Viêm giác mạc — màng bồ đào:

– Thuốc dãn đồng tử: dung dịch atropine 1%, Mydrin – P x 2 lần/ngày.

– Nếu tiến trình viêm không kiểm soát được thì dùng corticoid tại chỗ: dung dịch Fluorometholone, Prednisolone acetate 1%.

– Acyclovir uống 200mg đến 400 mg/lần x 5 lần/ngày trong 2 -3 tuần.

4.4. Điều trị hỗ trợ:

– Thuốc liệt điều tiết: Scopolamine, Atropine 1%.

– Các thuốc tăng cường dinh dưỡng giác mạc, thúc đẩy quá trình tái tạo biểu mô : Như vitamin A, nước mắt nhân tạo.

5. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM VIÊM GIÁC MẠC DO VIRUT HERPES:

5.1. Tiêu chuẩn nhập viện:

– Bệnh đe dọa nghiêm trọng đến thị lực.

– Có biến chứng tăng nhãn áp, dọa thủng giác mạc.

5.2. Theo dõi:

Đánh giá kích thước tổn thương biểu mô và ổ loét, chiều dầy giác mạc, phản ứng tiền phòng và nhãn áp.

5 .3. Tiêu chuẩn xuất viện:

Mắt giảm kích thích, tổn thương biểu mô và ổ loét thu nhỏ, phản ứng viêm thuyên giảm rõ rệt.

5.3. Tái khám:

Tái khám 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng 1 lần để phát hiện bệnh tái phát.

Tài liệu tham khảo:

1. Phác đồ điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy 2013, Nhà xuất bản Y học, tr. 611-686.

2. American academy of Ophthalmology, (2010 – 2011), External disease and cornea, American academy of Ophthalmology, pp 165 -170.

3. Jack J. Kanski, (2003), Clinical Ophthalmology, Butterworth Heinemann, New York, Fifth edition, PP 207 – 214.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *