Viêm Gan B, tiêm chủng, lây nhiễm, chữa trị thế nào?

Phòng ngừa và Chủng ngừa

Tôi có thể bị nhiễm viêm gan B từ đâu?

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn lây lan qua máu. Dưới đây là những con đường lây truyền viêm gan B cho người khác thường gặp nhất:

  • Tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm bệnh hoặc dịch cơ thể bị nhiễm bệnh
  • Từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang bé mới sinh trong thai kỳ hoặc trong khi sinh
  • Quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh
  • Dùng chung hoặc dùng lại kim tiêm (ví dụ: dùng chung kim tiêm để tiêm ma túy hoặc dùng lại kim tiêm chưa được khử trùng đúng cách để tiêm thuốc, châm cứu, xăm, hoặc xỏ lỗ tai/cơ thể)
  • Thiết bị y tế hoặc kim tiêm chưa được khử trùng có thể được sử dụng bởi bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ cắt tóc vỉa hè

Viêm gan B có dễ lây không?

Không, viêm gan B không lây qua tiếp xúc bình thường. Bạn không thể bị lây viêm gan B từ không khí, do ôm, đụng chạm, hắt hơi, ho, ghế bồn cầu hoặc núm cửa. Bạn không thể bị lây viêm gan B do ăn hoặc uống cùng người bị nhiễm bệnh hoặc do ăn thực phẩm mà người bị viêm gan B chuẩn bị.

Ai dễ bị nhiễm viêm gan B nhất?

Mặc dù mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, có một số người dễ bị nhiễm bệnh hơn. Công việc, lối sống của bạn, hoặc đơn giản chỉ do sinh ra trong một gia đình bị viêm gan B có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh của bạn. Đây là một số nhóm “nguy cơ cao” thường gặp nhất — nhưng xin nhớ rằng đây không phải là danh sách đầy đủ:

  • Những người kết hôn với hoặc sống cùng hộ gia đình có tiếp xúc gần gũi với người bị viêm gan B. Nhóm này bao gồm cả người lớn và trẻ em.
  • Những người sinh ra ở các nước mà viêm gan B là thường gặp, hay có cha mẹ được sinh ra ở các nước mà viêm gan B là thường gặp (Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông).
  • Những người sống trong hoặc đi đến các nước mà viêm gan B rất thường gặp (Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu, và Trung Đông).
  • Người lớn và thanh thiếu niên có hoạt động tình dục
  • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới
  • Trẻ sơ sinh sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh
  • Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người khác tiếp xúc với máu trong công việc.
  • Nhân viên cấp cứu
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
  • Người cư trú và nhân viên của nhà tập thể, viện, hoặc cơ sở cải huấn.
  • Người được truyền máu trước năm 1992, hoặc những người được truyền máu chưa sàng lọc thích đáng gần đây
  • Người tiêm chích ma túy trong quá khứ và hiện tại
  • Người được xăm hình hoặc xỏ lỗ cơ thể
  • Những người sử dụng bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ cắt tóc vỉa hè

Vắc-xin viêm gan B có những khuyến cáo nào?

Vắc-xin viêm gan B được khuyến cáo cho tất cả các trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh (CDC) Hoa Kỳ. CDC cũng khuyến cáo người lớn ở các nhóm có nguy cơ cao được chủng ngừa. Xem thêm: Chữa viêm gan B!

Viên gan B!
Viên gan B!

Vắc-xin viêm gan B là một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh khi sinh và cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vắc-xin viêm gan B cũng được khuyến cáo cho người lớn sống chung với tiểu đường và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao do công việc, lối sống, hoàn cảnh sống, hoặc quốc gia nơi sinh. Vì mọi người đều có nguy cơ nhất định, tất cả người lớn nên nghiêm túc cân nhắc tiêm vắc-xin viêm gan B để bảo vệ suốt đời khỏi bệnh gan mạn tính có thể phòng ngừa.

Vắc-xin viêm gan B có an toàn không?

Có, vắc-xin viêm gan B rất an toàn và hiệu quả. Trên thực tế, nó là “vắc-xin chống ung thư” đầu tiên vì nó có thể bảo vệ bạn khỏi viêm gan B, là nguyên nhân gây ra 80% các ca ung thư gan trên thế giới.

Với hơn một tỷ mũi được sử dụng trên toàn thế giới, các nghiên cứu y khoa và khoa học đã cho thấy vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc-xin an toàn nhất từ trước đến nay.

Tôi có thể bị nhiễm viêm gan B từ vắc-xin không?

Không, bạn không thể bị nhiễm viêm gan B từ vắc-xin. Vắc-xin này được làm từ một sản phẩm men tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đỏ da và đau nhức ở cánh tay nơi tiêm vắc-xin.

Lịch tiêm phòng vắc-xin viêm gan B như thế nào?

Vắc-xin viêm gan B có sẵn tại phòng khám của bác sĩ và sở y tế hoặc phòng khám tại địa phương. Thường cần ba mũi để hoàn tất loạt vắc-xin viêm gan B, mặc dù có loạt hai mũi nhanh cho trẻ vị thành niên từ 11 đến 15 tuổi, và có một vắc-xin 2 mũi mới đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ để sử dụng cho người lớn trong năm 2017. Điều quan trọng là phải nhớ rằng con sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh phải được tiêm mũi vắc-xin viêm gan B thứ nhất trong phòng sinh hoặc trong vòng 12 giờ sau khi sinh.

  • Mũi tiêm Thứ nhất – Vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng trẻ mới sinh nên được tiêm mũi này trong phòng sinh
  • Mũi tiêm Thứ hai – Tối thiểu một tháng (hoặc 28 ngày) sau mũi tiêm thứ nhất
  • Mũi tiêm Thứ ba – Sáu tháng sau mũi tiêm thứ nhất (hoặc tối thiểu 2 tháng sau mũi tiêm thứ hai)

Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ ba phải ít nhất 16 tuần. Nếu lịch tiêm phòng vắc-xin của bạn bị chậm, bạn không cần phải tiêm lại loạt vắc-xin, bạn có thể tiêm tiếp tục mũi tiêm còn lại trong loạt – ngay cả khi thời gian nghỉ giữa các mũi là nhiều năm.

Để chắc chắn rằng bạn được bảo vệ khỏi viêm gan B, hãy yêu cầu một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra “độ chuẩn kháng thể viêm gan B” (HBsAb) để xác nhận liệu chủng ngừa có thành công không.

Tôi còn có thể làm gì để tự bảo vệ khỏi viêm gan B?

Vì viêm gan B lây lan qua máu bị nhiễm bệnh và dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, có một vài điều đơn giản mà bạn có thể làm để tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh cho đến khi hoàn tất chủng ngừa:

  • Tránh động chạm trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể
  • Sử dụng bao cao su với bạn tình
  • Không dùng ma túy và lạm dụng thuốc theo toa, bao gồm việc tiêm các loại thuốc như vậy
  • Tránh dùng chung các vật sắc nhọn như dao cạo, bàn chải đánh răng, bông tai, và cắt móng tay
  • Đảm bảo kim và dụng cụ khử trùng được sử dụng cho y khoa, nha sĩ, châm cứu, xăm, xỏ lỗ tai và cơ thể
  • Mang găng tay và sử dụng dung dịch tẩy trắng và nước để làm vệ sinh vết máu
  • Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sau khi đụng chạm hoặc làm vệ sinh vết máu
  • Quan trọng nhất là đảm bảo rằng bạn được tiêm vắc-xin viêm gan B!

Xét nghiệm Máu để Chẩn đoán Viêm gan B

Có xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B không?

Có một xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B đơn giản mà bác sĩ hoặc phòng mạch của bạn có thể yêu cầu gọi là “loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B”. Mẫu máu này có thể được lấy tại phòng khám của bác sĩ.

Có 3 xét nghiệm thường gặp tạo nên loạt xét nghiệm máu này.Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu lại sáu tháng sau lần thăm khám đầu tiên để xác nhận tình trạng viêm gan B của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng gần đây bạn đã bị nhiễm viêm gan B, có thể cần đến 9 tuần trước khi phát hiện được siêu vi khuẩn trong máu bạn.

Kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B của bạn có thể khó hiểu, vì vậy bạn muốn chắc chắn về chẩn đoán của mình – bạn có bị nhiễm viêm gan B không, bạn đã bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B chưa, hay bạn có bị nhiễm viêm gan B mạn tính không?

Ngoài ra, rất hữu ích nếu bạn yêu cầu một bản sao bằng văn bản các xét nghiệm máu của bạn để bạn hiểu rõ xét nghiệm nào là dương tính hay âm tính.

Ba xét nghiệm nào tạo thành “loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B”?

Loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B chỉ cần một mẫu máu nhưng bao gồm ba xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán cuối cùng:

  • HBsAg (kháng nguyên bề mặt viêm gan B)
  • HBsAb hoặc anti-HBs (kháng thể bề mặt viêm gan B)
  • HBcAb hoặc anti-HBc (kháng thể lõi viêm gan B)

Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) là gì?

Kết quả xét nghiệm HBsAg “dương tính” hoặc “có phản ứng” nghĩa là người đó bị nhiễm siêu vi khuẩn viêm gan B, có thể là bệnh “cấp tính” hoặc “mạn tính”. Những người bị nhiễm bệnh có thể lây siêu vi khuẩn sang người khác qua máu của họ.

Kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb hoặc anti-HBs) là gì?

Kết quả xét nghiệm HBsAb (hoặc anti-HBs) “dương tính” hoặc “có phản ứng” cho thấy một người hoặc đã đáp ứng thành công với vắc-xin viêm gan B hoặc đã bình phục sau khi nhiễm viêm gan B cấp tính. Kết quả này (cùng với kết quả HbsAg âm tính) có nghĩa là bạn được miễn dịch với (bảo vệ khỏi) bệnh viêm gan B trong tương lai.

Kháng thể lõi viêm gan B (HBcAb) là gì?

HBcAb là một kháng thể vốn là một phần của siêu vi khuẩn – nó không có tác dụng bảo vệ. Kết quả xét nghiệm HBcAb (hoặc anti-HBc) “dương tính” hoặc “có phản ứng” cho thấy tình trạng nhiễm bệnh trong quá khứ hoặc hiện tại. Giải thích kết quả xét nghiệm này phụ thuộc vào kết quả của hai xét nghiệm còn lại. Sự xuất hiện của nó cùng với kháng thể bề mặt bảo vệ (HBsAb hoặc anti-HBs dương tính) cho thấy tình trạng nhiễm bệnh trước đó và đã bình phục. Với người nhiễm bệnh mạn tính, nó thường xuất hiện với siêu vi khuẩn (HbsAg dương tính).

Sống chung với Viêm gan B

Tôi có bình phục được sau khi bị nhiễm viêm gan B không?

Hầu hết người lớn khỏe mạnh mới bị nhiễm bệnh sẽ bình phục mà không có bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có khả năng loại bỏ thành công siêu vi khuẩn.

  • Người lớn – 90% người lớn khỏe mạnh sẽ loại bỏ được siêu vi khuẩn và bình phục mà không gặp bất kỳ vấn đề gì; 10% sẽ bị viêm gan B mạn tính.
  • Trẻ Nhỏ – Lên đến 50% trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm viêm gan B mạn tính.
  • Trẻ sơ sinh – 90% sẽ bị nhiễm bệnh mạn tính; chỉ 10% sẽ có khả năng loại bỏ siêu vi khuẩn.

Viêm gan B “cấp tính” và “mạn tính” khác nhau ở điểm gì?

Viêm gan B được xem là “cấp tính” trong suốt 6 tháng đầu tiên sau khi bị phơi nhiễm siêu vi khuẩn. Đây là khoảng thời gian trung bình cần để bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B.

Nếu bạn vẫn dương tính với siêu vi khuẩn viêm gan B (HBsAg+) sau 6 tháng, bạn được xem là bị nhiễm viêm gan B “mạn tính”, có thể kéo dài suốt đời.

Tôi có bị ốm không nếu tôi bị viêm gan B cấp tính?

Viêm gan B được xem là một “căn bệnh thầm lặng” vì nó thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Hầu hết mọi người cảm thấy khỏe mạnh và không biết họ đã bị nhiễm bệnh, có nghĩa là họ có thể vô tình lây siêu vi khuẩn sang người khác. Những người khác có thể có các triệu chứng nhẹ như sốt, mệt mỏi, đau khớp hoặc cơ, hoặc mất cảm giác thèm ăn mà dễ bị nhầm lẫn với cúm.

Các triệu chứng ít gặp hơn nhưng nghiêm trọng hơn bao gồm buồn nôn và nôn mửa, vàng mắt và da (gọi là “vàng da”), và sưng dạ dày – các triệu chứng này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức và có thể cần nhập viện.

Làm thế nào tôi biết được khi nào tôi đã bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B “cấp tính”?

Sau khi bác sĩ đã xác nhận qua xét nghiệm máu rằng bạn đã loại bỏ được siêu vi khuẩn khỏi cơ thể và phát triển các kháng thể bảo vệ (HBsAb+), bạn sẽ được bảo vệ khỏi bất kỳ bệnh viêm gan B nào trong tương lai và không còn có thể lây sang người khác nữa.

Tôi phải làm gì nếu tôi được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính?

Nếu bạn có kết quả xét nghiệm dương tính với siêu vi khuẩn viêm gan B trong thời gian dài hơn 6 tháng, điều này cho thấy bạn bị nhiễm viêm gan B mạn tính. Bạn nên đặt hẹn với bác sĩ chuyên khoa về gan, bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột, hoặc bác sĩ gia đình quen thuộc với viêm gan B. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu và có thể siêu âm gan để đánh giá mức độ hoạt hóa của siêu vi khuẩn viêm gan B trong cơ thể bạn, và để theo dõi tình trạng sức khỏe của gan. Bác sĩ có thể sẽ muốn gặp bạn ít nhất một hoặc hai lần một năm để theo dõi tình trạng viêm gan B của bạn và xác định xem bạn được lợi gì từ việc điều trị hay không.

Tất cả những người bị bệnh mạn tính nên gặp bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần (hoặc thường xuyên hơn) để chăm sóc theo dõi y tế thường xuyên, bất kể họ có bắt đầu điều trị hay không. Ngay cả khi siêu vi khuẩn đang trong giai đoạn ít hoạt động hơn với tổn thương phát sinh ít hoặc không có, tình trạng này có thể thay đổi theo thời gian, đó là lý do vì sao theo dõi thường xuyên là điều rất quan trọng.

Hầu hết những người bị bệnh viêm gan B mạn tính có thể vẫn sống lâu và khỏe mạnh. Sau khi bạn được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính, siêu vi khuẩn có thể tồn tại trong máu và gan suốt đời. Điều quan trọng là phải biết rằng bạn có thể lây siêu vi khuẩn sang người khác, ngay cả khi bạn không cảm thấy bị ốm. Đây là lý do vì sao việc bạn phải đảm bảo tất cả những người tiếp xúc gần gũi trong hộ gia đình và bạn tình đều được chủng ngừa viêm gan B là rất quan trọng.

Tiến hành xét nghiệm nào để theo dõi tình trạng viêm gan B của tôi?

Các xét nghiệm thường gặp được bác sĩ sử dụng để theo dõi tình trạng viêm gan B bao gồm loạt xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B, xét nghiệm chức năng gan (ALT, AST), kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg), kháng thể e viêm gan B (HBeAb), định lượng DNA viêm gan B (tải siêu vi khuẩn), và xem xét hình ảnh gan (siêu âm, FibroScan [Đo độ đàn hồi Thoáng qua] hoặc chụp CT).

Có phương pháp chữa trị cho viêm gan B mạn tính không?

Hiện nay, không có phương pháp chữa trị viêm gan B mạn tính, nhưng tin vui là có các phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm diễn tiến bệnh gan ở người bị bệnh mạn tính bằng cách làm chậm siêu vi khuẩn. Nếu có ít siêu vi khuẩn viêm gan B được sản sinh hơn, thì gan sẽ ít bị tổn thương hơn. Đôi khi các loại thuốc này còn có thể loại bỏ được siêu vi khuẩn, mặc dù điều này không thường gặp.

Với những nghiên cứu thú vị mới, có rất nhiều hy vọng sẽ tìm ra một phương pháp chữa trị cho viêm gan B mạn tính trong tương lai gần.Vào trang mạng Drug Watch (Theo dõi Thuốc) của chúng tôi để xem danh sách các thuốc triển vọng khác đang được phát triển.

Có bất kỳ thuốc được phê duyệt nào để điều trị viêm gan B mạn tính không?

Các phương pháp điều trị viêm gan B hiện tại thuộc hai loại, thuốc kháng siêu vi khuẩn và tác nhân điều biến miễn dịch:

Thuốc Kháng siêu vi khuẩn – Đây là những loại thuốc làm chậm hoặc ngăn chặn siêu vi khuẩn viêm gan B, làm giảm viêm và tổn thương gan. Các thuốc này được dùng dưới dạng viên nén mỗi ngày một lần trong ít nhất 1 năm, và thường trong thời gian dài hơn. Có 6 thuốc kháng siêu vi khuẩn được FDA phê duyệt, nhưng chỉ có ba thuốc kháng siêu vi khuẩn ưu tiên nhất là phương pháp điều trị được khuyến cáo: tenofovir disoproxil (Viread/TDF), tenofovir alafenamide (Vemlidy/TAF) và Entecavir (Baraclude). Các thuốc kháng siêu vi khuẩn ưu tiên nhất được khuyến cáo vì chúng an toàn hơn và hiệu quả nhất. Các thuốc này cũng có tính chất kháng thuốc tốt hơn các thuốc kháng siêu vi khuẩn cũ hơn, nghĩa là khi dùng theo chỉ định toa thuốc, sẽ ít có khả năng đột biến và kháng thuốc hơn. Tính chất kháng thuốc tích lũy khiến cho việc điều trị và kiểm soát siêu vi khuẩn khó hơn.

Thuốc Điều chỉnh miễn dịch – Đây là các thuốc tăng cường hệ miễn dịch để giúp kiểm soát siêu vi khuẩn viêm gan B. Các thuốc này được tiêm trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Các thuốc thường được kê toa nhất bao gồm interferon alfa-2b (Intron A) và PEG interferon (Pegasys). Đây là phương pháp điều trị duy nhất được khuyến cáo cho bệnh nhân đồng thời bị nhiễm viêm gan D

Các thuốc này có phải là “phương pháp chữa trị” cho viêm gan B mạn tính không?


Mặc dù các thuốc này không phải phương pháp chữa trị đầy đủ, các thuốc hiện tại sẽ làm chậm siêu vi khuẩn và làm giảm nguy cơ bị bệnh gan nghiêm trọng hơn sau này trong đời. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn chỉ trong vài tháng vì tổn thương gan do siêu vi khuẩn bị làm chậm lại, hoặc thậm chí hồi phục trong một số trường hợp, khi dùng lâu dài. Thuốc kháng siêu vi khuẩn không nên được dùng ngắt quãng, vì vậ nên một đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ có kiến thức là rất quan trọng trước khi bắt đầu điều trị viêm gan B mạn tính.

Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B mạn tính, tôi có nên dùng thuốc không?

Điều quan trọng là phải hiểu rằng không phải ai bị viêm gan B mạn tính cũng phải dùng thuốc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc liệu pháp thuốc có thích hợp với bạn không. Cho dù bạn và bác sĩ quyết định bạn có nên bắt đầu điều trị hay không, bạn cần phải thường xuyên gặp bác sĩ chuyên khoa về gan hoặc bác sĩ có kiến thức về viêm gan B.

Dùng các thuốc thảo mộc hoặc chất bổ sung để điều trị viêm gan B có an toàn không?

Nhiều người quan tâm đến việc dùng thuốc thảo mộc hoặc chất bổ sung để tăng cường hệ miễn dịch và giúp gan khỏe hơn. Vấn đề là không có quy định cho các công ty sản xuất các sản phẩm này, nghĩa là không có kiểm tra nghiêm ngặt về tính an toàn hoặc độ tinh khiết. Do đó chất lượng của thuốc thảo mộc hoặc chất bổ sung vitamin có thể không đồng đều. Ngoài ra, một số thuốc thảo mộc có thể gây trở ngại cho các thuốc theo toa để điều trị viêm gan B hoặc các tình trạng khác; một số thuốc còn có thể làm tổn thương gan. Các thuốc thảo mộc này sẽ không chữa trị được viêm gan B mạn tính.

Có rất nhiều công ty đưa ra lời hứa hẹn giả dối trên Internet và mạng xã hội về sản phẩm của họ. Các tuyên bố trên mạng và những lời chứng thực của bệnh nhân trên Facebook là giả mạo và được sử dụng để lừa mọi người mua các loại thuốc thảo mộc và chất bổ sung đắt tiền. Hãy nhớ rằng, nếu nghe mà bở quá thì chắc là giả.

Dưới đây là các nguồn thông tin đáng tin cậy về thảo mộc và thuốc thay thế. Thông tin này dựa trên bằng chứng khoa học, chứ không phải là lời hứa hẹn giả dối. Kiểm tra xem liệu các hoạt chất trong các thuốc thảo mộc hay chất bổ sung của bạn có thật và an toàn cho gan không. Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ gan khỏi bất kỳ tổn thương hay tổn hại nào nữa.

Có những lời khuyên nào để giữ gan khỏe mạnh cho những người sống chung với viêm gan B mạn tính?

Những người sống chung với viêm gan B mạn tính có thể cần hoặc không cần điều trị bằng thuốc. Nhưng có rất nhiều điều khác mà bệnh nhân có thể làm để bảo vệ gan và cải thiện sức khỏe. Dưới đây là danh sách 10 lựa chọn lành mạnh hàng đầu mà bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay!

  • Lên lịch thăm khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa về gan hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để giữ sức khỏe của bạn và sức khỏe của gan.
  • Đi tiêm vắc-xin viêm gan A để tự bảo vệ mình khỏi một loại siêu vi khuẩn khác tấn công vào gan.
  • Tránh uống rượu và hút thuốc vì cả hai đều sẽ làm tổn thương gan, vốn đã bị siêu vi khuẩn viêm gan B làm tổn thương.
  • Trao đổi với nhà cung cấp của bạn trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc thảo mộc hoặc chất bổ sung vitamin nào vì một số chất này có thể gây trở ngại cho các thuốc theo toa điều trị viêm gan B hoặc thậm chí làm tổn thương gan của bạn.
  • Kiểm tra với dược sĩ về bất kỳ thuốc mua không cần toa nào (ví dụ: acetaminophen, paracetamol) hoặc thuốc theo toa không dùng để điều trị viêm gan B trước khi dùng để đảm bảo chúng an toàn cho gan vì nhiều thuốc trong số này được xử lý qua gan.
  • Tránh hít phải hơi bốc lên từ sơn, chất pha loãng sơn, keo, chất làm vệ sinh trong hộ gia đình, chất tẩy sơn móng, và các hóa chất có khả năng độc hại khác có thể làm tổn thương gan.
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt nạc, và nhiều rau. “Rau thuộc họ cải” nói riêng – cải bắp, bông cải xanh, súp lơ — đã được chứng minh là giúp bảo vệ gan chống lại các hóa chất môi trường.
  • Tránh ăn động vật có vỏ sống hoặc tái (ví dụ: ngao, trai, hàu, sò điệp) vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn có tên là Vibrio vulnificus, rất độc hại cho gan và có thể gây ra nhiều tổn thương.
  • Kiểm tra các dấu hiệu nấm mốc trên hạt, ngô, ngũ cốc, lạc, cao lương, và kê trước khi dùng các thực phẩm này. Nấm mốc có nhiều khả năng là vấn đề nếu thực phẩm được bảo quản trong điều kiện ẩm ướt và không được niêm phong thích đáng. Nếu có nấm mốc thì thực phẩm có thể bị nhiễm “aflatoxin”, được biết là một yếu tố nguy cơ cho ung thư gan.
  • Giảm tải cho gan bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, và nghỉ ngơi nhiều.
  • Hãy nhớ rằng mọi thứ bạn ăn, uống, thở, hoặc hấp thụ qua da cuối cùng đều được lọc bởi gan. Vì vậy, hãy bảo vệ gan và sức khỏe của bạn!

Tôi có thể hiến máu nếu tôi bị viêm gan B không?

Không. Ngân hàng máu sẽ không chấp nhận máu bị phơi nhiễm viêm gan B, ngay cả khi bạn đã bình phục sau khi bị nhiễm bệnh cấp tính.

Bị Viêm Gan Loại B Kinh Niên

Tôi có nên xét nghiệm viêm gan B nếu tôi có thai không?

Có, TẤT CẢ các phụ nữ có thai nên đi xét nghiệm viêm gan B! Nếu bạn có thai, hãy chắc chắn bác sĩ đã xét nghiệm viêm gan B cho bạn trước khi sinh con.

Vì sao các xét nghiệm này lại quan trọng đến thế cho phụ nữ có thai?

Nếu bạn dương tính với viêm gan B và đang có thai, siêu vi khuẩn có thể lây cho bé mới sinh trong thai kỳ hoặc trong khi sinh. Nếu bác sĩ biết rằng bạn bị viêm gan B, bác sĩ có thể dàn xếp để có các loại thuốc thích hợp trong phòng sinh nhằm ngăn không cho bé bị nhiễm bệnh. Nếu không làm theo các quy trình thích đáng, bé có nguy cơ 95% bị viêm gan B mạn tính!

Bệnh viêm gan B có ảnh hưởng đến việc tôi mang thai không?

Bệnh viêm gan B không nên gây ra bất kỳ vấn đề nào cho bạn hoặc thai nhi trong thai kỳ. Điều quan trọng là bác sĩ phải biết bạn bị viêm gan B để có thể theo dõi sức khỏe của bạn và để con bạn có thể được bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh sau khi ra đời.

Nếu tôi có thai và bị viêm gan B, làm thế nào để tôi có thể bảo vệ cho bé?

Nếu bạn dương tính với viêm gan B, bác sĩ cũng nên xét nghiệm kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg) cho bạn, và nếu lại dương tính, bạn nên đi xét nghiệm máu tải siêu vi khuẩn viêm gan B (định lượng DNA HBV). Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm có thể cho thấy tải siêu vi khuẩn rất cao. Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc kháng siêu vi khuẩn qua đường uống trong tam cá nguyệt thứ ba, thuốc này an toàn để dùng nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ mới sinh khi sinh.

Nếu bạn dương tính với viêm gan B, thì trẻ mới sinh phải được tiêm hai mũi tiêm ngay tại phòng sinh:

  • Mũi vắc-xin viêm gan B thứ nhất
  • Một mũi globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG)

Nếu hai loại thuốc này được cho dùng thích đáng trong vòng 12 giờ sau khi sinh, trẻ mới sinh có cơ hội trên 90% được bảo vệ khỏi bệnh viêm gan B suốt đời.

Bạn phải đảm bảo rằng bé sẽ được tiêm 2-3 mũi vắc-xin viêm gan B còn lại theo lịch trình. Tất cả các mũi phải được hoàn tất để trẻ sơ sinh được bảo vệ đầy đủ chống lại viêm gan B. Một điều quan trọng nữa là bé sinh ra từ người mẹ có HBV dương tính phải được xét nghiệm huyết thanh hậu chủng ngừa lúc 9-12 tháng tuổi để xác nhận bé được bảo vệ chống lại HBV và không bị nhiễm bệnh. Các xét nghiệm bao gồm HBsAg và xét nghiệm độ chuẩn anti-HBs.

Không có cơ hội thứ hai để bảo vệ bé mới sinh đâu!

Chủng ngừa Bên ngoài Hoa Kỳ

Ở nhiều nước, vắc-xin tổng hợp 5 trong 1 bảo vệ chống lại năm loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não và viêm gan B) có thể được tiêm cho bé trên 6 tuần tuổi, và có thể được tiêm cho đến khi bé đạt 1 tuổi. Mũi thứ nhất được cho dùng lúc 6 tuần tuổi, và mũi thứ hai và thứ ba được cho dùng lúc 10 và 14 tuần tuổi. Vắc-xin 5 trong 1 có thể được cung cấp miễn phí với sự hỗ trợ của Gavi, Liên minh Vắc-xin. Kiểm tra cổng thông tin quốc gia Gavi để xem các nguồn lực và chủng ngừa có thể có sẵn: http://www.gavi.org/country/.

Với bé sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B, việc chờ đợi mũi vắc-xin 5 trong 1 thứ nhất sẽ là quá muộn và sẽ KHÔNG bảo vệ bé khỏi bị nhiễm bệnh trong khi sinh hoặc trong thời gian sáu tuần sau khi sinh. Người mẹ dương tính với viêm gan B có thể lây siêu vi khuẩn sang con, và sau đó con sẽ nhiễm bệnh mạn tính.

WHO khuyến cáo tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh cho TẤT CẢ trẻ sơ sinh. Hãy lên kế hoạch trước và hỏi xem có sẵn vắc-xin hay không và chi phí của mũi vắc-xin đơn trị được cho dùng khi sinh, vì nó không phải là thuốc chủng ngừa được Gavi cung cấp. Điều này đặc biệt quan trọng với phụ nữ dương tính với viêm gan B.

Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng viêm gan B của mình, hãy đảm bảo bác sĩ xét nghiệm viêm gan B cho bạn!

Với bé KHÔNG được tiêm vắc-xin 5 trong 1, mũi thứ nhất của vắc-xin HBV đơn trị phải được tiêm trong vòng 12 giờ sau khi sinh, tiếp theo là 2-3 mũi vắc-xin viêm gan B còn lại theo lịch trình.

Với bé được tiêm vắc-xin 5 trong 1, mũi vắc-xin viêm gan B đơn trị thứ nhất được tiêm trong vòng 12 giờ sau khi sinh, và mũi vắc-xin HBV thứ hai và thứ ba sẽ được bao gồm trong mũi 1 và mũi 2 của vắc-xin 5 trong 1.

*Lưu ý: CDC khuyến cáo cho tiêm mũi tiêm đầu tiên của vắc-xin HBV và HBIG trong vòng 12 giờ sau khi sinh. HBIG có thể không có sẵn ở tất cả các nước.

Tôi có cần điều trị trong thai kỳ không?

Bệnh viêm gan B không nên gây ra bất kỳ vấn đề nào cho bạn hoặc thai nhi trong thai kỳ. Điều quan trọng là bác sĩ phải biết bạn bị viêm gan B để có thể theo dõi sức khỏe của bạn và để con bạn có thể được bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh sau khi ra đời. Nếu bạn sống ở ngoài Hoa Kỳ và không chắc chắn về tình trạng viêm gan B của mình, hãy yêu cầu bác sĩ xét nghiệm viêm gan B cho bạn.

Mũi vắc-xin HBV và HBIG được cho dùng khi sinh có thể không có tác dụng ở những phụ nữ có HBeAg dương tính và có tải siêu vi khuẩn rất cao, cho phép truyền viêm gan B sang bé.

Tất cả những phụ nữ được chẩn đoán bị viêm gan B trong thai kỳ nên được giới thiệu đến dịch vụ chăm sóc theo dõi với bác sĩ có kỹ năng kiểm soát bệnh viêm gan B. Bác sĩ nên thực hiện thêm xét nghiệm, bao gồm kháng nguyên e viêm gan B, nồng độ DNA HBV và xét nghiệm chức năng gan (ALT).

Nồng độ siêu vi khuẩn cao hơn 200.000 IU/mL hoặc 1 triệu cp/ml cho thấy nồng độ mà sự kết hợp giữa mũi vắc-xin và HBIG được cho dùng khi sinh có thể không có tác dụng. Có thể khuyến cáo điều trị kháng siêu vi khuẩn, ưu tiên nhất bằng tenofovir để giảm tải siêu vi khuẩn trước khi sinh. Tenofovir đã được chứng minh là an toàn trong suốt thai kỳ và cho người mẹ cho con bú. Trong trường hợp tenofovir không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa telbivudine hoặc lamivudine. Điều trị kháng siêu vi khuẩn bắt đầu lúc 28-32 tuần thai và tiếp tục trong 3 tháng sau khi sinh.

Tôi có cần điều trị sau thai kỳ không?

Nếu bạn được kê toa thuốc kháng siêu vi khuẩn trong thai kỳ, bạn nên được theo dõi ALT (SGPT) mỗi 3 tháng trong 6 tháng. Điều này sẽ giúp xác định xem bạn có nên tiếp tục điều trị kháng siêu vi khuẩn không. Xin đừng ngừng thuốc kháng siêu vi khuẩn trừ khi bác sĩ khuyên như vậy, dựa trên kết quả xét nghiệm. Với hầu hết phụ nữ mà xét nghiệm theo dõi không cho thấy dấu hiệu bệnh hoạt động, bác sĩ sẽ khuyên nên thường xuyên theo dõi với bác sĩ chuyên khoa về gan.

Trong tất cả các trường hợp, điều quan trọng là bác sĩ sản của bạn và bác sĩ nhi của trẻ mới sinh biết về tình trạng viêm gan B của bạn để đảm bảo trẻ mới sinh của bạn được tiêm vắc-xin thích đáng khi sinh để phòng ngừa nhiễm viêm gan B suốt đời và bạn được chăm sóc theo dõi thích hợp .

Tôi có thể cho con bú nếu tôi bị viêm gan B không?

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn bị nhiễm bệnh, nguy cơ này cực kỳ thấp. Ngoài ra, vì tất cả trẻ sơ sinh được khuyến cáo chủng ngừa viêm gan B khi sinh, bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào cũng sẽ được giảm nhiều. Có dữ liệu cho thấy tenofovir, vốn có thể được kê toa để kiểm soát viêm gan B, là an toàn cho phụ nữ cho con bú. Xem thêm: Cà gai leo chữa viêm gan B!

Nguồn: hepb.org

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *