SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH

SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH

1. ĐẠI CƯƠNG SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH:

1.1. Định nghĩa:

– Sa thủy tinh thể là do đứt toàn bộ dây Zinn, thủy tinh thể rơi vào tiền phòng hoặc rơi vào buồng dịch kính hoặc dưới kết mạc.

– Lệch thủy tinh thể là do đứt một phần dây Zinn, thủy tinh thể vẫn nằm sau mống mắt nhưng không còn đúng vị trí.

1.2. Nguyên nhân:

– Do chấn thương (là nguyên nhân thông thường nhất)

– Hội chứng Marfan.

– Các căn nguyên khác như: giang mai mắc phải, thủy tinh thể lạc chổ bẩm sinh, không có mống mắt…

1.3. Phân loại:

– Lệch thủy tinh thể:

– Sa thủy tinh thể:

+ Thủy tinh thể sa vào tiền phòng.

+ Thủy tinh thể sa vào dịch kính.

2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH:

2.1. Khám lâm sàng:

2.1.1. Lệch thủy tinh thể:

– Triệu chứng cơ năng: Song thị một mắt, nhìn mờ, chói mắt.

– Triệu chứng thực thể: độ sâu tiền phòng không đều, có thể thấy pha lê thể trong tiền phòng, rung rinh mống mắt. Đo thị lực giảm.

2.1.2. Sa thủy tinh thể:

2.Ỉ.2.Ỉ. Sa vào tiền phòng:

– Triệu chứng cơ năng: nhìn mờ, chói mắt, có khi đau nhức mắt.

– Triệu chứng thực thể: mắt kích thích. Thể thủy tinh giống như giọt dầu nằm trong tiền phòng. Giác mạc mờ đục. Nghẽn đồng tử. Tăng nhãn áp. Đo thị lực giảm trầm trọng.

2.1.2.2. Sa vào dịch kính:

– Triệu chứng cơ năng: mắt mờ đột ngột, có khi đau nhức, kích thích.

– Triệu chứng thực thể: tiền phòng sâu. Rung rinh mống mắt. Đục pha lê thể. Pha lê thể trong tiền phòng. Xuất huyết pha lê thể. Viêm màng bồ đào.

2.2. Cận lâm sàng:

Siêu âm B để xác định vị trí của thủy tinh thể, tình trạng võng mạc, pha lê thể.

3. CHẨN ĐOÁN SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH:

3.1. Chẩn đoán xác định:

Thủy tinh thể lệch tâm hoặc di chuyển hẳn, rung rinh mống mắt, rung thủy tinh thể.

3.2. Chẩn đoán nguyên nhân:

– Chấn thương: dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng.

– Bệnh lý thường gặp nhất là hội chứng Marfan.

3.3. Chẩn đoán biến chứng:

– Glaucome cấp do nghẽn đồng tử.

– Viêm màng bồ đào.

– Xuất huyết pha lê thể.

– Bong võng mạc.

3.4. Chẩn đoán phân biệt:

– Không có thủy tinh thể bẩm sinh.

– Thủy tinh thể bị tiêu sau chấn thương.

– Bệnh nhân đã phẫu thuật lấy thủy tinh thể trong bao.

4. ĐIỀU TRỊ SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH:

4.1. Mục đích điều trị:

– Phục hồi thị lực cho bệnh nhân.

– Điều trị biến chứng.

4.2. Nguyên tắc điều trị:

Điều trị đúng và sớm, an toàn, có thể tiến hành điều trị hai thì. Thì một lấy thủy tinh thể bị sa hoặc lệch, thì hai đặt thể thủy tinh nhân tạo.

4.3. Điều trị cụ thể:

4.3.1. Lệch thể thủy tinh:

– Nội khoa: nếu thị lực còn tốt, người bệnh không cảm thấy khó chịu, không biến chứng.

– Ngoại khoa: Khi thị lực < 1/10, tăng nhãn áp, song thị nặng, thủy tinh thể có nguy cơ sa vào buồng dịch kính hoặc tiền phòng.

Tùy theo lệch ít hay nhiều mà tiến hành phẫu thuật bằng các phương pháp khác nhau:

+ Lấy thủy tinh thể trong bao hoặc lấy thủy tinh thể ngoài bao bằng cơ học hay bằng phaco.

+ Nếu lấy thủy tinh thể ngoài bao, có thể dùng vòng căng bao để đặt thể thủy tinh nhân tạo.

4.3.2. Sa thể thủy tinh:

– Thể thủy tinh sa vào tiền phòng: phẫu thuật cấp cứu lấy toàn bộ thủy tinh thể có hay không đặt kính nội nhãn.

– Thể thủy tinh sa vào buồng dịch kính: có thể trì hoãn phẫu thuật nếu không biến chứng tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, bong võng mạc. Chuyển chuyên khoa bán phần sau phẫu thuật.

4.4. Điều trị hỗ trợ:

Kháng sinh, kháng viêm tại chỗ và toàn thân.

5. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM SA VÀ LỆCH THỂ THỦY TINH:

5.1. Tiêu chuẩn nhập viện:

Mắt có biến chứng cần điều trị nội khoa tích cực hoặc có chỉ dịnh phẫu thuật.

5.2. Theo dõi:

Theo dõi nhãn áp, tình trạng giác mạc, võng mạc, lệch kính nội nhãn, nhiễm trùng.

5 .3. Tiêu chuẩn xuất viện:

Hậu phẫu ổn định, xuất viện sau 5-7 ngày

5.4. Tái khám:

Tái khám định kỳ 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng và 3 tháng sau phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo:

1. Phác đồ điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy 2013, Nhà xuất bản Y học, tr. 611-686.

2. Bộ môn mắt trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (2007), Nhãn khoa lâm sàng. Nhà xuất bản Y học. Trang 99 – 100.

3. Basic and clinical Science course (2010 – 2011), “Lens and cataract”, American academy of ophthalmology, Section 11.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *