RỐI LOẠN ĐẶC HIỆU TRONG SỰ PHÁT ÂM
I. ĐẠI CƯƠNG:
– Một rối loạn phát triển đặc hiệu mà trong đó khả năng sử dụng ngữ âm của trẻ ở dưới mức tương ứng với tuổi tâm thần của trẻ, nhưng trong đó những kỹ năng ngôn ngữ vẫn trong giới hạn bình thường.
– Sự phát triển bình thường: Lúc 4 tuổi, sự tạo ra những lỗi trong ngữ âm là thường gặp nhưng người xung quanh vẫn có thể hiểu đứa trẻ một cách dễ dàng. Đến 6-7 tuổi, hầu hết các ngữ âm phải hoàn tất. Mặc dù những khó khăn vẫn còn trong sự kết hợp vài âm nhất định, những điều này cũng không gây ảnh hưởng trong những vấn đề về giao tiếp. Vào khoảng 11-12 tuổi, sự thành thạo hầu hết tất cả các ngữ âm phải đạt được.
– Sự phát triển bất thường xảy ra khi sự đạt được ngữ âm của trẻ bị trì hoãn, đưa đến: phát âm sai gây khó khăn cho những người khác là không thể hiểu được trẻ; sự bỏ sót, không chính xác hay thay thế của các ngữ âm.
– Chẩn đoán chỉ được thiết lập chỉ khi sự nghiêm trọng của rối loạn về phát âm nằm ngoài những giới hạn của sự thay đổi bình thường theo tuổi tâm thần của trẻ; trí tuệ phần ngôn ngữ không lời nằm trong giới hạn bình thường, kỹ năng tiếp nhận và thể hiện ngôn ngữ vẫn trong giới hạn bình thường, các bất thường về sự phát âm không do các bất thường cảm giác, cấu trúc hay thần kinh chi phối trực tiếp, sự phát âm không chính xác bất thường rõ ràng trong ngữ cảnh sử dụng thông thường trong văn hóa của trẻ.
– Trẻ trai thường gặp những khó khăn trong việc phát âm nhiều hơn bé gái, với tỉ lệ là 4:1 hoặc có báo cáo khác là 2:1.
– 30-60% trẻ có tiền sử gia đình là một hay nhiều thành viên trực tiếp có rối loạn tương tự.
– Nguyên nhân của rối loạn này thì chưa được biết. Một số yếu tố được cho là nguyên nhân của rối loạn này bao gồm: (1) những bất thường khó thấy ở não, (2) yếu tố di truyền, (3) các ảnh hưởng của môi trường, (4) sự chưa trưởng thành của quá trình phát triển hệ thần kinh, (5) các yếu tố về ngôn ngữ và (6) những tiến trình về thính giác.
– Trẻ có rối loạn về phát âm có thể kết hợp thêm các rối loạn về ngôn ngữ, về học tập khác. Khoảng 50-70% trẻ có rối loạn phát âm sẽ có thêm sự suy giảm từ nhẹ đến nặng rối loạn ngôn ngữ thể hiện đi kèm. 10-40% cũng cho thấy sự suy giảm từ nhẹ đến nặng vấn đề hiểu ngôn ngữ. Rối loạn đọc cũng thường được chẩn đoán kết hợp, đặc biệt đối với những trẻ có sự liên quan đến ngôn ngữ là những trẻ có nguy cơ cao trong những rối loạn khác như rối loạn học, rối loạn tăng động- giảm chú ý.
– Rối loạn phát âm bao gồm:
• Rối loạn phát âm phát triển
• Rối loạn âm vị phát triển
• Tật nói ngọng
• Rối loạn phát âm chức năng
• Nói bập bẹ
II. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN THE O ICD 10:
A- Những kỹ năng phát âm, được đánh giá bằng các trắc nghiệm được chuẩn hóa, thấp hơn giới hạn 2 độ lệch chuẩn theo độ tuổi của trẻ.
B- Những kỹ năng phát âm với chỉ số IQ phi ngôn ngữ thấp hơn tối thiểu một độ lệch chuẩn khi được đánh giá bằng 1 trắc nghiệm được chuẩn hóa.
C- Ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt, được đánh giá bằng 1 trắc nghiệm được chuẩn hóa, nằm trong giới hạn 2 độ lệch chuẩn theo độ tuổi của trẻ.
D- Không có các rối loạn thần kinh, giác quan, hoặc bệnh lý nội khoa tác động trực tiếp đến sự phát âm hay rối loạn phát triển lan tỏa.
E- Tiêu chuẩn loại trừ: chỉ số IQ ở phần ngôn ngữ không lời dưới 70.
III. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:
Rối loạn phát âm do
– Mất ngôn ngữ
– Mất dùng động tác
– Những bất thường về cách phát âm liên quan đến một rối loạn phát triển của ngôn ngữ thể hiện và ngôn ngữ tiếp nhận.
– Hở vòm miệng hay bất thường về cấu trúc của khoang miệng liên quan đến phát âm.
– Điếc
– Chậm phát triển tâm thần.
IV. CẬN LÂM SÀNG:
– Trắc nghiệm trí tuệ.
– Kiểm tra thính lực và cấu trúc khoang miệng.
– Điện não đồ.
V. ĐIỀU TRỊ:
– Trị liệu ngôn ngữ thường được áp dụng ở trẻ được chẩn đoán với mức độ từ trung bình đến nặng. Có thể trị liệu trực tiếp lên trẻ hoặc gián tiếp qua những người chăm sóc trẻ.
– Một phương pháp tiếp cận âm vị học được thực hiện đầy đủ trên trẻ mà trong đó nhiều lỗi phát âm của trẻ được mô tả bằng các quá trình âm vị học. Mục đích của phương pháp tiếp cận này là giúp trẻ tránh việc sử dụng các quá trình này bằng việc nhấn mạnh giá trị giao tiếp của việc sử dụng đúng các dạng âm nhất định.
– Một phương pháp tiếp cận thứ hai, gọi là phương pháp truyền thống, vì nó phát triển trước, được dùng đối với những trẻ chỉ có vài lỗi phát âm. Mục đích của phương pháp này là dạy trẻ tạo ra những âm đúng bằng việc nhấn mạnh các đặc điểm nghe và chuyển động của âm đó.
– Đối với những trẻ có bất thường về cấu trúc thì phẫu thuật hoặc lắp giả bộ phận được tiến hành trước. Nếu những bất thường về phát âm vẫn tồn tại sau phẫu thuật thì sẽ tiến hành kết hợp các biện pháp điều trị trên.