CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một hội chứng rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tăng đường huyết, do thiếu insulin tuyệt đối hay tương đối. Có thể có kèm theo tình trạng đề kháng insulin.

1.2. Phân loại đái tháo đường:

Có 4 nhóm chính:

• ĐTĐ típ 1: do sự phá hủy tế bào bêta dẫn tới thiếu insulin tuyệt đối

• ĐTĐ típ 2: cơ bản do khiếm khuyết tiết insulin và đề kháng insulin

• Các típ ĐTĐ đặc biệt khác: ví dụ: khiếm khuyết di truyền chức năng tế bào bêta, khiếm khuyết di truyền về tác dụng của insulin, bệnh lý tụy ngoại tiết, do thuốc hoặc hóa chất.

• ĐTĐ thai kỳ.

1.3. Tầm soát đái tháo đường típ 2a. Tất cả người lớn bị quá cân và có thêm yếu tố nguy cơ sau

+ ít vận động

+ có người trực hệ trong gia đình bị đái tháo đường

+ Sắc dân có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ la tinh, Mỹ bản địa, Mỹ gốc châu Á, dân đảo châu Á Thái Bình Dương)

+ Nữ đã sinh con có cân nặng lúc sinh > 4-4.5kg hoặc đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

+ bị tăng huyết áp (huyết áp >140/90mmHg)

+ có HDL cholesterol < 35 mg/dL (0.9 mmol/L) và hoặc triglycerid > 250 mg/dL (2.82 mmol/L)

+ có hội chứng buồng chứng đa nang.

+ Rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói hoặc HbA1c > 5,7%

+ có tình trạng bệnh lý kết hợp với đề kháng insulin (như bệnh gai đen, béo phì nặng)

+ có tiền căn bị các bệnh về mạch máu

b. Không có yếu tố trên sẽ tầm soát từ lúc 45 tuổi trở lên

c. Nếu kết quả tầm soát bình thường, nên kiểm tra lại mỗi 3 năm

. Có thể kiểm tra lại sớm hơn tùy nguy cơ và kết quả ban đầu (ví dụ: tiền đái tháo đường nên kiểm tra hàng năm)

2. Đánh giá bệnh nhân

Bắt đầu tầm soát biến chứng mạn cho bệnh nhân đái tháo đường típ 1 sau khi chẩn đoán 5 năm và đái tháo đường típ 2 ngay lúc mới chẩn đoán.

2.1. Lâm sàng:

– Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có thể không có triệu chứng nếu đường huyết tăng nhẹ.

– Triệu chứng khởi phát thường là: tiểu nhiều, tiểu đêm, khát, uống nhiều, mệt mỏi, sụt cân, mệt, nhìn mờ, nhiễm trùng vết thương chậm lành. Bệnh nhân có thể đến khám vì có biến chứng như đau, rối loạn sinh hoạt tình dục.

– Đái tháo đường típ 1 điển hình lúc mới chẩn đoán có thể biểu hiện nhiều triệu chứng của tăng đường huyết hoặc nhiễm axit ceton.

– Bệnh sử cần khai thác:

+ Tuổi và đặc điểm khởi phát của ĐTĐ (ví dụ: không triệu chứng hay nhiễm axit ceton)

+ Thời gian mắc bệnh, diễn tiến bệnh, thuốc đã dùng, sự đáp ứng với điều trị trước đây, mức độ kiểm soát đường huyết.

+ Cơn hạ đường huyết.

+ Thói quen: tập thể dục, chế độ ăn hàng ngày, hút thuốc lá, bia rượu; Diễn biến cân nặng; Kết quả thử đường huyết tại nhà,

+ Tiền căn biến chứng:

Mạch máu nhỏ: bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh lý thần kinh (cảm giác, loét chân, tự chủ)

Mạch máu lớn: hỏi yếu tố nguy cơ tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên

Biến chứng khác: nhiễm trùng (ví dụ: lao phổi), trầm cảm, bệnh răng miệng.

– Khám thực thể:

+ Cân nặng, chiều cao, BMI + Huyết áp, huyết áp tư thế + Khám mắt và soi đáy mắt + Khám tuyến giáp

+ Khám da: da vị trí tiêm insulin, gai đen.

+ Khám bàn chân: nhìn tìm biến dạng, sờ động mạch mu chân, động mạch chày sau, phản xạ gân xương Achilles và bánh chè, khám cảm giác nông, cảm giác áp lực bằng monofilament, cảm giác rung âm thoa.

+ Tim mạch: khám tim và hệ động mạch ngoại biên.

2.2. Cận lâm sàng

Đường huyết đói

Cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol, Triglycerides lúc đói

AST, ALT

Creatinine máu, GFR ước đoán

Tổng phân tích nước tiểu

Tỉ số microalbumin/creatinin niệu

HbA1c nên được làm khi chẩn đoán và lặp lại ít nhất mỗi 3 – 6 tháng. Nếu HbA1c > 7% và có thay đổi trong điều trị, HbA1c nên được lặp lại mỗi 3 tháng.

Điện tâm đồ, X quang ngực thẳng

Khám đáy mắt (nếu có điều kiện chụp hình màu võng mạc)/hàng năm. Nếu có bất thường cần khám mỗi 3 – 6 tháng.

3. Chẩn đoán xác định đái tháo đường:

khi thỏa 1 trong 4 tiêu chí sau:

a. Glucose huyết tương khi đói > 126 mg/dL (7,0 mmol/L). (sau khi không ăn ít nhất 8 giờ).

b. Glucose huyết tương 2 giờ sau khi uống 75 gam glucose > 200 mg/dL (11,1 mmol/L). (NP dung nạp glucose 75g)

c. Đường huyết bất kỳ > 200 mg/dL (11,1 mmol/L) ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết.

d. HbA1c > 6,5% (yêu cầu xét nghiệm phải thực hiện ở phòng xét nghiệm có chứng nhận NGSP (National Glycohemoglobin Standardization Program) và được chuẩn hóa theo phương pháp dùng trong nghiên cứu DCTT).

Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), cần lặp lại xét nghiệm lần 2 vào một ngày khác.

Chú ý: Không dùng xét nghiệm đường huyết mao mạch (bấm máy cá nhân) để chẩn đoán.

4. Phân loại tình trạng tăng nguy cơ ĐTĐ (tiền đái tháo đường) :

gồm các rối

loạn sau

– Rối loạn đường huyết đói: đường huyết đói từ 100mg/dL (5.6mmol/L) to 125mg/dL (6.9 mmol/L)

– Rối loạn dung nạp glucose: đường huyết tương 2 giờ sau khi uống 75 gam glucose từ 140 mg/dL (7,8 mmol/L) tới 199 mg/dL (11 mmol/L)

– HbA1c từ 5,7% tới 6,4%

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quốc Anh và Ngô Quý Châu (2011). Đái tháo đường. Chương 6. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa (Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng), Bộ Y tế – Bệnh viện Bạch Mai, tr 411 – 416. Nhà xuất bản Y học.

2. McGill J B (2009). Diabetes Mellitus type 2 .Endocrinology Subspecialty Consult, the Washington Manual, pp 250 – 262. 2nd Edition. Mc Graw Hill.

3. Masharani U, German M S (2011). Pacreatic hormones and Diabetes Mellitus. In D. G. Gardner, D. Shoback. Greenspan’s Basic And Clinical Endocrinology 9th ed. 573-655. The McGraw-Hill Companies.

4. Standards of Medical Care in Diabetes 2014. Diabetes Care Volume 37, Supplement 1: S14-S80.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *